このページの先頭ですサイトメニューここから
このページの本文へ移動
サイト内検索

  1. トップページ
  2. Legal Information for Foreign Nationals(外国人のみなさまへ)
  3. Các Vấn đề Gia đình: Đính hôn, Kết hôn, Ly hôn
本文ここから

Các Vấn đề Gia đình: Đính hôn, Kết hôn, Ly hôn

更新日:2023年2月14日

Vui lòng đọc hết nội dung trước khi sử dụng dịch vụ.

  • Câu hỏi thường gặp là phần giới thiệu tổng quan về hệ thống luật pháp ở Nhật Bản và không cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi của từng cá nhân cụ thể. Ngoài ra, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng cá nhân, hệ thống pháp luật của Nhật Bản có thể không được áp dụng.
  • Nếu bạn muốn biết bất kỳ Câu hỏi thường gặp nào không được liệt kê ở đây, hoặc nếu bạn muốn trao đổi về nhu cầu cá nhân, vui lòng liên hệ với Dịch vụ Thông tin Đa ngôn ngữ (0570-078377). Dịch vụ sẽ cung cấp cho bạn thông tin trong Câu hỏi thường gặp và các dịch vụ tư vấn dựa trên bản chất của yêu cầu.
  • Xin lưu ý rằng Houterasu không chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào có thể xảy ra do bạn cố gắng giải quyết các vấn đề cá nhân cụ thể dựa trên Câu hỏi thường gặp.

Nội dung

Đính hôn

Kết hôn

Ly hôn

Hỏi 01: Tôi có phải bồi thường cho người kia nếu tôi chấm dứt đính hôn không?

  • Nếu có lý do chính đáng, bạn có thể chấm dứt đính hôn mà không phát sinh bất kỳ trách nhiệm nào.
  • Nếu không có lý do chính đáng, bạn sẽ phải bồi thường cho bên kia đối với thiệt hại gây ra.

(Giải thích)
・Nếu hoàn cảnh khiến cho cặp đôi không thể có được đời sống kết hôn tốt đẹp trong tương lai và nhận ra rằng có lý do chính đáng để chấm dứt đính hôn, thì có thể chấm dứt đính hôn mà không phát sinh bất kỳ trách nhiệm nào.
・Ví dụ, nếu một bên đã nói dối với bên kia về mức tiền lương, nợ hay các khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống của họ, thì đây được coi là lý do chính đáng để chấm dứt đính hôn.
・Nếu chấm dứt đính hôn không có lý do chính đáng, thì đây được coi là vi phạm lời hứa và phải trả bồi thường cho các thiệt hại gây ra.

00008

Hỏi 02: Thủ tục cần thiết khi hai người có quốc tịch nước ngoài cư trú ở Nhật Bản kết hôn là gì?

  • Cần nộp đăng ký kết hôn cho văn phòng tại địa phương nơi người có quốc tịch nước ngoài cư trú.
  • Phải nộp mẫu đăng ký kết hôn cùng với giấy tờ chứng minh rằng mỗi người có quốc tịch nước ngoài đủ điều kiện kết hôn theo luật gia đình ở (các) quốc gia sở tại của họ (thường là giấy chứng nhận không bị cấm kết hôn).
  • Người có quốc tịch nước ngoài cũng có thể đăng ký với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán ở Nhật Bản của (các) quốc gia sở tại của mình để được đăng ký kết hôn theo thủ tục của (các) quốc gia sở tại đó.

(Giải thích)
・Người có quốc tịch nước ngoài cư trú ở Nhật Bản có thể kết hôn ở Nhật Bản bằng cách nộp mẫu đăng ký kết hôn của mình cùng với giấy tờ chứng minh rằng mỗi người có quốc tịch nước ngoài đủ điều kiện kết hôn theo luật gia đình ở (các) quốc gia sở tại của họ (thường là giấy chứng nhận không bị cấm kết hôn) cho quầy đăng ký hộ khẩu.
・Do người có quốc tịch nước ngoài không có quốc tịch Nhật Bản, họ không có sổ hộ khẩu, vậy nên việc đăng ký kết hôn này sẽ không dẫn đến việc lập sổ hộ khẩu.
・Bằng chứng kết hôn có thể được thể hiện qua giấy chứng nhận chấp nhận đăng ký hoặc giấy chứng nhận nội dung đăng ký.
・Nếu người có quốc tịch nước ngoài nộp đăng ký kết hôn cho đại sứ quán hoặc lãnh sự quán ở Nhật Bản của (các) quốc gia sở tại của mình theo thủ tục ở (các) quốc gia sở tại, thì không cần nộp đăng ký tại quầy đăng ký hộ khẩu của Nhật Bản.

00022

Hỏi 03: Thủ tục cần thiết khi người có quốc tịch nước ngoài cư trú ở Nhật Bản kết hôn với người có quốc tịch Nhật Bản ở Nhật Bản là gì?

  • Cần nộp đăng ký kết hôn cho văn phòng tại địa phương nơi người có quốc tịch Nhật Bản cư trú hoặc địa phương nơi họ đăng ký quê quán.
  • Phải nộp mẫu đăng ký kết hôn cùng với giấy tờ chứng minh rằng người có quốc tịch nước ngoài đủ điều kiện kết hôn theo luật gia đình ở quốc gia sở tại của họ (thường là giấy chứng nhận không bị cấm kết hôn).

(Giải thích)
・Việc đăng ký sẽ được văn phòng địa phương chấp nhận và gửi tới địa phương nơi người có quốc tịch Nhật Bản đăng ký quê quán sau khi xác minh rằng người có quốc tịch Nhật Bản đáp ứng yêu cầu kết hôn ở Nhật Bản và người có quốc tịch nước ngoài đáp ứng yêu cầu kết hôn ở quốc gia sở tại của họ.
・Khi nộp đăng ký kết hôn cho địa phương nơi người có quốc tịch Nhật Bản cư trú, tốt hơn là nên đính kèm một bản sao hoặc trích lục sổ hộ khẩu của người có quốc tịch Nhật Bản (hoặc nếu trên máy tính có hồ sơ đăng ký quê quán của họ thì cần giấy chứng nhận tất cả hoặc một phần thông tin sổ hộ khẩu là được).
・Đối với người có quốc tịch nước ngoài đã được cấp tư cách người tị nạn theo Đạo luật Kiểm soát Xuất Nhập cảnh và Công nhận Cư trú, luật pháp của Nhật Bản, nơi cư trú của họ, sẽ được coi như là luật pháp của quốc gia sở tại của họ.

00023

Hỏi 04: Tôi là người có quốc tịch nước ngoài đang làm việc ở Nhật Bản và có tư cách cư trú cho phép tôi làm việc. Tôi có thể đưa gia đình mình đến Nhật Bản không?

  • Gia đình của bạn có thể ở cùng bạn theo diện tư cách cư trú “Người phụ thuộc”.
  • Đối với trường hợp đến thăm ngắn ngày, gia đình của bạn có thể ở lại Nhật Bản theo diện tư cách “Du khách tạm thời”.

(Giải thích)
・Nên đăng ký tư cách cư trú tại đại sứ quán Nhật Bản ở quốc gia sở tại của người nộp đơn.
・Tuy nhiên, theo nguyên tắc là không cho phép người phụ thuộc và du khách tạm thời được làm việc ở Nhật Bản.
・Nếu người có quốc tịch nước ngoài đã cư trú ở Nhật Bản trong một khoảng thời gian dài và đã được cấp tư cách “Người vĩnh trú”, thì các thành viên gia đình của họ cũng sẽ có thể thường trú với tư cách là “Vợ/chồng hoặc con của người vĩnh trú”.

02367

Hỏi 05: Tôi là người có quốc tịch nước ngoài và người hôn phối của tôi là người có quốc tịch Nhật Bản. Tôi đang sống ở Nhật Bản theo diện tư cách cư trú “Vợ/chồng hoặc con của người có quốc tịch Nhật Bản”. Nếu tôi sống ly thân với người hôn phối có quốc tịch Nhật Bản của mình, thì tôi sẽ không thể tiếp tục sống ở Nhật Bản nữa phải không?

  • Không chỉ căn cứ vào việc sống ly thân mà còn vào việc xem xét tổng thể các yếu tố khác, nếu coi như mối quan hệ của cặp đôi đã đổ vỡ và hôn nhân không còn cơ sở thực chất về quan hệ xã hội nữa, thì người hôn phối nước ngoài có thể mất tư cách cư trú theo diện “Vợ/chồng hoặc con của người có quốc tịch Nhật Bản” của mình.
  • Nếu vợ/chồng người ngoài muốn tiếp tục cư trú ở Nhật Bản sau khi hôn nhân mất cơ sở thực chất về quan hệ xã hội, họ phải thay đổi tư cách cư trú của mình từ “Vợ/chồng hoặc con của người có quốc tịch Nhật Bản” thành tư cách khác.

(Giải thích)
・Người có quốc tịch nước ngoài kết hôn hợp pháp với người có quốc tịch Nhật Bản được cấp tư cách “Vợ/chồng hoặc con của người có quốc tịch Nhật Bản”. Tuy nhiên, trong trường hợp ly hôn, hoặc nếu coi như mối quan hệ của cặp đôi đã đổ vỡ và hôn nhân không còn cơ sở thực chất về quan hệ xã hội nữa, thì có khả năng sẽ không được cấp gia hạn thời gian lưu trú hoặc tư cách cư trú sẽ bị thu hồi.
・Việc hôn nhân có mất cơ sở thực chất về quan hệ xã hội hay không được xác định không chỉ trên căn cứ sống ly thân, mà còn trên căn cứ cân nhắc tổng hợp các yếu tố khác, ví dụ như hoàn cảnh và thời gian ly thân, sự tồn tại và mức độ tiếp xúc giữa hai vợ chồng, và việc chia sẻ chi phí sinh hoạt (nói cách khác, “ly thân” không chỉ được đánh giá hoàn toàn dựa vào thực tế là sống ly thân, bởi có thể có những trường hợp mà có xác nhận lý do chính đáng để sống cách xa nhau, ví dụ như sống xa nhau do đi công tác).
・Trong trường hợp ly hôn với vợ/chồng có quốc tịch Nhật Bản, hoặc nếu coi như mối quan hệ của cặp đôi đã đổ vỡ và hôn nhân không còn cơ sở thực chất về quan hệ xã hội nữa, thì có khả năng là người có quốc tịch nước ngoài sẽ mất tư cách cư trú theo diện “Vợ/chồng hoặc con của người có quốc tịch Nhật Bản” của mình. Do đó, nếu vợ/chồng người nước ngoài muốn tiếp tục cư trú ở Nhật Bản sau đó, họ phải đổi sang tư cách cư trú khác (Người cư trú dài hạn, v.v...).
・Sau khi người có quốc tịch nước ngoài mất tư cách cư trú của mình, sẽ rất khó để xin một tư cách khác. Nếu họ muốn đổi tư cách cư trú của mình thành một tư cách khác, họ nên đổi khi vẫn còn tư cách “Vợ/chồng hoặc con của người có quốc tịch Nhật Bản”.
・Nếu bạn lo lắng về tư cách cư trú của mình, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia khác và nhận lời tư vấn thích hợp dựa trên thông lệ của Cục quản lý xuất nhập cảnh và tiền lệ pháp lý.

00398

Hỏi 06: Tôi có thể đòi chi phí sinh hoạt từ người hôn phối đang sống ly thân với tôi không?

  • Có.

(Giải thích)
・Ngay cả khi cặp đôi đã kết hôn đang sống ly thân, họ cũng có nghĩa vụ chung về việc hỗ trợ lẫn nhau cho tới khi có quyết định ly hôn.
・Có thể yêu cầu chi phí sinh hoạt hàng tháng căn cứ vào nghĩa vụ hỗ trợ, phụ thuộc vào thu nhập và số con là người phụ thuộc. Những khoản này được gọi là chi phí hôn nhân.
・Nếu cặp đôi không thể đạt được thỏa thuận về chi phí hôn nhân, họ có thể đệ trình đơn kiện xin hòa giải liên quan tới việc chia sẻ chi phí hôn nhân lên tòa án gia đình để giải quyết vấn đề, trong đó thẩm phán và ủy viên hòa giải quan hệ trong nước đóng vai trò là bên trung gian.

02318

Hỏi 07: Tôi đang phải chịu bạo hành từ phía người hôn phối. Tôi nên làm gì?

  • Nếu bạn cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm, trước tiên bạn nên trao đổi với cảnh sát hoặc trung tâm cố vấn và hỗ trợ về bạo hành từ phía vợ/chồng (trung tâm hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành, trung tâm bình đẳng giới, v.v..., tên gọi sẽ khác nhau) để được trợ giúp.
  • Tiếp theo, bạn nên tham khảo ý kiến của luật sư.

(Giải thích)
・Bạo hành từ phía vợ/chồng (bạo hành gia đình) là một hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, trong đó bao gồm hành vi phạm tội.
・Trung tâm cố vấn và hỗ trợ về bạo hành vợ/chồng có dịch vụ tư vấn về việc chuyển tới một nơi trú ẩn tạm thời.
・Trong một số trường hợp, có thể đệ đơn kiện ra tòa để xin lệnh ngăn cấm vợ/chồng theo dõi nạn nhân xung quanh hoặc lảng vảng gần nơi cư trú hoặc làm việc của họ (lệnh hạn chế), lệnh tạm thời trục xuất vợ/chồng rời khỏi nơi cư trú (lệnh trục xuất), lệnh ngăn cấm vợ/chồng liên hệ với con nhỏ, lệnh ngăn cấm vợ/chồng liên hệ với họ hàng, hoặc lệnh ngăn cấm vợ/chồng gọi điện thoại.
・Bạo hành cũng có thể là căn cứ cho ly hôn và khiếu nại đòi bồi thường.
・Nếu bạn đã phải chịu bạo hành hoặc bị vợ/chồng của mình làm bị thương, bạn có thể đệ đơn khiếu nại hình sự.
・Houterasu cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý cho các nạn nhân của nạn bạo hành gia đình liên quan đến việc ngăn ngừa hành vi tiếp tục gây hại, không phụ thuộc vào nguồn lực tài chính (hỗ trợ tư vấn pháp lý cho nạn nhân của các hành động xâm hại cụ thể đối với họ (có nghĩa là bạo hành từ phía vơ/chồng, theo dõi và lạm dụng trẻ em)). Nếu bạn muốn sử dụng dịch vụ này, vui lòng gọi cho Dịch vụ Thông tin Đa ngôn ngữ (0570-078377).

00030

Hỏi 08: Tôi mới kết hôn năm ngoái, nhưng trong một khoảng thời gian ngắn, chồng tôi đã trở nên bạo lực. Tôi cảm thấy sợ khi anh ấy lớn tiếng quát mắng tôi. Tôi không có nơi nào để đi cả, vì thế tôi phải chịu đựng hành vi này và ở nhà.

  • Nếu chồng bạn đánh bạn, bạn nên tới bệnh viện và xin giấy chứng nhận y tế cho các vết thương của mình.
  • Nếu bạn cảm thấy tính mạng của mình gặp nguy hiểm, đừng ngần ngại mà hãy gọi cho cảnh sát.
  • Bạn cũng có thể hỏi ý kiến của văn phòng địa phương hoặc trung tâm tư vấn cho phụ nữ ở tỉnh của bạn, ở đó có người chuyên giải quyết các vấn đề của phụ nữ (ví dụ như cố vấn cho phụ nữ). Nếu bạn muốn rời khỏi nhà, hãy trao đổi với cố vấn cho phụ nữ xem có nơi trú ẩn tạm thời không.
  • Nếu bạn đang muốn ly hôn và đến thời điểm gia hạn tư cách cư trú của bạn trong khi tiến hành thủ tục hòa giải ly hôn, v.v..., hãy tham khảo ý kiến của Cục quản lý xuất nhập cảnh về thực tế rằng bạn đang trải qua thủ tục hòa giải ly hôn do hành vi bạo hành gia đình. Trong trường hợp này, giấy chứng nhận y tế và lịch sử tư vấn với cố vấn cho phụ nữ sẽ đem lại hữu ích.

03798

Hỏi 09: Tôi xin được lệnh hạn chế để tránh bị người hôn phối của tôi bạo hành, nhưng tôi lo rằng các con của tôi sẽ bị đưa đi. Tôi nên làm gì?

  • Theo Đạo luật Ngăn ngừa Bạo hành Gia đình, bạn có thể đệ đơn xin lệnh hạn chế bảo vệ con sống với nạn nhân của bạo hành gia đình bên cạnh lệnh hạn chế bảo vệ chính nạn nhân đó.
  • Nếu con đã đến tuổi trưởng thành, thì có thể đệ đơn xin lệnh hạn chế bảo vệ người thân của nạn nhân.
  • Bạn cũng có thể đệ đơn xin ra lệnh cảnh báo theo Đạo luật Chống Theo dõi hoặc đơn xin bố trí tạm thời theo Đạo luật về Biện pháp Khắc phục Dân sự Tạm thời.

(Giải thích)
・Tên chính thức của Đạo luật Ngăn ngừa Bạo hành Gia đình là “Đạo luật Ngăn ngừa Bạo hành từ phía Vợ/chồng và Bảo vệ Nạn nhân”.
・Tên chính thức của Đạo luật Chống Theo dõi là “Luật Cấm Hành vi Theo dõi và Hỗ trợ Nạn nhân”.
・Khi con nhỏ và nạn nhân sống cùng nhau, để ngăn chặn việc nạn nhân bị buộc phải tới gặp vợ/chồng bạo hành (người bạo hành) do người bạo hành đưa đứa trẻ đi, nạn nhân có thể đệ đơn xin lệnh hạn chế để cấm người bạo hành quanh quẩn gần trường học hoặc nơi cư trú thông thường của trẻ trong sáu tháng.
・Nếu trẻ từ 15 tuổi trở lên, thì chỉ có thể đệ đơn xin lệnh hạn chế liên quan tới trẻ khi có sự đồng ý của trẻ.
・Đạo luật Chống Theo dõi cấm hành vi theo dõi, ví dụ như liên tục theo dõi nạn nhân hoặc người có mối quan hệ gần gũi với nạn nhân nhằm mục đích thỏa mãn cảm xúc yêu thích công khai đối với nạn nhân, hoặc cảm xúc căm ghét do kết quả của việc cảm xúc đó không được thỏa mãn.
・Có thể phát lệnh cảnh báo theo Đạo luật Chống Theo dõi bằng cách đệ trình khiếu nại lên cảnh sát.
・Nếu xảy ra việc theo dõi nạn nhân hoặc hành vi tương tự, Ủy ban An toàn Cộng đồng có thể ra lệnh cấm hành vi như vậy đối với bên kia sau khi trải qua các thủ tục nhất định. Trong trường hợp khẩn cấp, Ủy ban An toàn Cộng đồng có thể ra lệnh cấm mà không cần trải qua những thủ tục này.
・Đệ trình xin bố trí tạm thời lệnh hạn chế hoặc cấm thăm nom lên tòa án theo Đạo luật về Biện pháp Khắc phục Dân sự Tạm thời.
・Nếu cần xác định xem thủ tục nào là phù hợp nhất, tốt hơn là nên tham khảo ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia khác.

02472

Hỏi 10: Tôi có thể được bảo vệ theo Đạo luật Ngăn ngừa Bạo hành Gia đình kể cả sau khi ly hôn hoặc khi tôi vẫn đang trong hôn nhân không chính thức không? Điều này có thể không nếu tôi là người có quốc tịch nước ngoài hoặc nam giới?

  • Bạn có thể được bảo vệ theo Đạo luật Ngăn ngừa Bạo hành Gia đình kể cả sau khi ly hôn, khi đang trong hôn nhân không chính thức, hoặc sau khi chấm dứt hôn nhân không chính thức. Người có quốc tịch nước ngoài và nam giới đều đủ điều kiện được bảo vệ.

(Giải thích)
・Sau khi ly hôn, việc vợ/chồng cũ tiếp tục bạo hành cũng là căn cứ để được bảo vệ theo Đạo luật Ngăn ngừa Bạo hành Gia đình.
・Theo luật này, thuật ngữ “vợ/chồng” bao gồm những người không được đăng ký là đã kết hôn nhưng thực tế thì đã kết hôn (vợ chồng theo luật chung/không chính thức), còn thuật ngữ “ly hôn” bao gồm ly hôn thực tế giữa những người không được đăng ký là đã kết hôn nhưng thực tế thì đã kết hôn. Như vậy, những người trong hôn nhân không chính thức (hôn nhân thực tế) hoặc đã kết thúc mối quan hệ như vậy vẫn có thể được bảo vệ theo Đạo luật Ngăn ngừa Bạo hành Gia đình.
・Tuy nhiên, nếu hành vi bạo hành hoặc đe dọa không xảy ra trong hôn nhân hoặc hôn nhân không chính thức, nhưng bắt đầu xảy ra sau khi ly hôn hoặc giải quyết hôn nhân không chính thức, Đạo luật Ngăn ngừa Bạo hành Gia đình sẽ không áp dụng, trường hợp này thì nên sử dụng Đạo luật Chống Theo dõi.
・Đạo luật Ngăn ngừa Bạo hành Gia đình không chỉ áp dụng cho hành vi bạo hành bởi vợ/chồng hoặc vợ/chồng không chính thức, mà còn áp dụng với hành vi bạo hành bởi bạn tình sống hoặc từng sống cùng nạn nhân.
・Đạo luật Ngăn ngừa Bạo hành Gia đình áp dụng mà không phụ thuộc vào giới tính hay quốc tịch của nạn nhân, vì thế nam giới và người có quốc tịch nước ngoài là nạn nhân của bạo hành gia đình cũng có thể được bảo vệ. Những người tham gia bảo vệ nạn nhân của bạo hành gia đình và vào hoạt động điều tra và xét xử phải tôn trọng quyền con người của nạn nhân, không phụ thuộc vào quốc tịch của họ, và cân nhắc hợp lý tới sự an toàn và tính bảo mật cho họ khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

03136

Hỏi 11: Chúng tôi là một cặp đã kết hôn, gồm một người có quốc tịch Nhật Bản và một người có quốc tịch nước ngoài đang cư trú ở Nhật Bản. Cả hai chúng tôi đều đồng ý ly hôn, vì vậy chúng tôi đang nghĩ tới việc ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên và nộp đăng ký ly hôn, tuy nhiên chúng tôi sẽ phải làm những thủ tục nào để quốc gia sở tại của người hôn phối nước ngoài phê duyệt việc ly hôn ở Nhật Bản?

  • Nếu việc ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên được cho phép ở quốc gia sở tại của vợ/chồng người nước ngoài, thì việc ly hôn cũng sẽ được phê duyệt ở quốc gia sở tại của vợ/chồng người nước ngoài nếu nộp đăng ký ly hôn cho văn phòng địa phương liên quan và lãnh sự quán, v.v... ở Nhật Bản của quốc gia sở tại của vợ/chồng người nước ngoài.
  • Nếu việc ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên không được cho phép ở quốc gia sở tại của vợ/chồng người nước ngoài, thì sẽ cần phải thông qua quy trình tại tòa án thay vì ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên để việc ly hôn này cũng được phê duyệt ở quốc gia sở tại của vợ/chồng người nước ngoài.

(Giải thích)
・Nếu vợ/chồng là người có quốc tịch Nhật Bản quê quán ở Nhật Bản, thì không phụ thuộc vào quốc tịch của vợ/chồng người nước ngoài, luật pháp Nhật Bản (Luật Dân sự Nhật Bản) sẽ áp dụng cho việc ly hôn và có thể thực hiện ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên theo thủ tục của Nhật Bản.
・Tuy nhiên, nếu việc ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên không được cho phép ở quốc gia sở tại của vợ/chồng người nước ngoài, thì có thể phát sinh tình huống mà trong đó, ngay cả khi nộp đăng ký ly hôn cho văn phòng địa phương ở Nhật Bản, việc ly hôn vẫn không được phê duyệt ở quốc gia sở tại của vợ/chồng người nước ngoài dù đã được phê duyệt ở Nhật Bản.
・Để tránh tình huống này, cần phải xin ly hôn thông qua quy trình tại tòa án thay vì thông qua ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên.
・Một số quốc gia chỉ cho phép ly hôn thông qua một vụ kiện ly hôn (ly hôn theo phán quyết). Tuy nhiên, một số quốc gia này sẽ công nhận trường hợp ly hôn thông qua việc hòa giải dưới hình thức vụ kiện ly hôn nếu tài liệu hòa giải ly hôn có ghi là “việc hòa giải này có cùng giá trị và hiệu lực như phán quyết chung thẩm và ràng buộc theo Điều 268 của Đạo luật về Thủ tục Giải quyết Vụ việc về Quan hệ Gia đình Nhật Bản”, vì vậy tốt hơn là nên kiểm tra cách xử lý vấn đề này ở quốc gia sở tại của vợ/chồng người nước ngoài.
・Bạn cũng có thể truy vấn về hệ thống pháp lý của quốc gia nước ngoài bằng cách liên hệ với lãnh sự quán, v.v... ở Nhật Bản của quốc gia đó.
・Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia khác. Có thể cần phải tham khảo ý kiến của luật sư, v.v... ở quốc gia nước ngoài liên quan, vì vậy chúng tôi khuyên bạn nên hỏi luật sư, v.v... của bạn xem có cần làm vậy hay không.

02567

Hỏi 12: Tôi lo rằng người hôn phối của tôi sẽ đệ đơn xin ly hôn mà không cần sự cho phép của tôi. Tôi nên làm gì?

  • Bạn có thể gửi yêu cầu lên văn phòng địa phương để họ không chấp nhận đăng ký ly hôn.
  • Tuy nhiên, không thể gửi yêu cầu không chấp nhận đăng ký ly hôn nếu cả hai bên đều là người có quốc tịch nước ngoài.

(Giải thích)
Yêu cầu không chấp nhận đăng ký là một hệ thống được thiết lập nhằm ngăn chặn việc chấp nhận đăng ký kết hôn giả, v.v..., vốn sẽ có hiệu lực sau khi đăng ký mà không cần một bên phải biết, đồng thời ngăn ngừa việc ghi thông tin không chính xác vào sổ hộ khẩu. Đây là một lựa chọn có hiệu lực nếu có rủi ro việc ly hôn sẽ được đăng ký mà không có sự chấp thuận của một bên.




<<Khái quát thủ tục>>
・Đây là yêu cầu ưu tiên đối với thị trưởng của địa phương nơi người nộp đơn đăng ký quê quán rằng không được chấp nhận đăng ký trừ khi có thể xác nhận rằng chính người nộp đơn đã thực hiện việc đăng ký đã nêu.
・Hệ thống này có thể được sử dụng để đăng ký xác nhận quan hệ cha con, nhận nuôi, giải quyết việc nhận nuôi, kết hôn và ly hôn, có hiệu lực sau khi gửi đăng ký.
・Yêu cầu này chỉ được phép đệ trình cho các vấn đề mà người nộp đơn là đối tượng đăng ký, ví dụ như là cha trong trường hợp xác nhận quan hệ cha con, hoặc là một trong hai bên trong trường hợp kết hôn và ly hôn. Cũng có thể đưa ra yêu cầu nêu rõ bên liên quan mà không được chấp nhận đăng ký.
・Có thể nộp yêu cầu tại văn phòng địa phương nơi người nộp đơn đăng ký quê quán hoặc tại văn phòng địa phương nơi người nộp đơn đăng ký nơi cư trú.
・Nếu có cán bộ trực ca đêm, thì có thể nhờ cán bộ ca trực nhận yêu cầu không chấp nhận của bạn ngay cả khi đang ngoài giờ làm việc của văn phòng địa phương.
・Sau khi đưa ra yêu cầu thì không có giới hạn về thời gian hiệu lực của yêu cầu. Cho tới khi rút lại yêu cầu không chấp nhận, việc đăng ký có liên quan sẽ không được chấp nhận.
・Khi thị trưởng của địa phương từ chối đăng ký ly hôn, v.v..., do được đệ trình mà có một bên không biết, họ phải báo cáo quyết định này với người đã gửi yêu cầu không chấp nhận.
・Để biết thêm thông tin, vui lòng trao đổi với quầy hỗ trợ tại văn phòng địa phương có liên quan.




<<Đối với người có quốc tịch nước ngoài>>
Do mục đích của hệ thống này là để ngăn chặn việc ghi vào sổ hộ khẩu các nội dung không phù hợp với ý định của các bên liên quan, hệ thống sẽ không thể được sử dụng trong trường hợp hai bên đều là người có quốc tịch nước ngoài do không áp dụng sổ hộ khẩu trong trường hợp này. Nếu một trong các bên là người Nhật Bản và người còn lại là người có quốc tịch nước ngoài, thì bên Nhật Bản sẽ có sổ hộ khẩu, vì vậy người Nhật Bản hoặc người có quốc tịch nước ngoài có thể đệ trình yêu cầu không chấp nhận.

00035

Hỏi 13: Chúng tôi là một cặp đôi đã kết hôn, cả hai đều là người có quốc tịch nước ngoài, đang sống ở Nhật Bản. Chúng tôi cần tuân theo thủ tục nào để được ly hôn?

  • Nếu luật pháp ở quốc gia sở tại của hai vợ chồng là giống nhau, và luật pháp của các quốc gia đó cho phép ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên, thì có thể cho phép họ ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên. Nếu cặp đôi chưa đồng ý ly hôn, hoặc nếu không cho phép ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên theo luật ở quốc gia sở tại của họ, thì cặp đôi sẽ phải xin ly hôn thông qua quy trình tại tòa án.
  • Khi người có quốc tịch nước ngoài là một bên ly hôn, có thể xảy ra vấn đề là liệu có thể sử dụng tòa án của Nhật Bản không, nhưng nếu cả vợ và chồng đều sống ở Nhật Bản, thì việc hòa giải ly hôn hoặc vụ kiện ly hôn đều có thể được tổ chức ở một tòa án của Nhật Bản (tòa án gia đình).

(Giải thích)
<<Ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên>>
・Trong các trường hợp sau, nếu cả vợ và chồng đều đồng ý ly hôn, thì có thể chấp thuận cho ly hôn theo đàm phán.
(1) Nếu luật pháp ở quốc gia sở tại của cả hai vợ chồng giống nhau và luật pháp ở các quốc gia đó cho phép ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên (tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên nên được tiến hành theo thủ tục được quy định bởi quốc gia sở tại của vợ/chồng hơn là thủ tục của Nhật Bản).
(2) Nếu luật pháp ở quốc gia sở tại của mỗi vợ chồng khác nhau, nhưng cả hai lại cư trú ở Nhật Bản.




<<Ly hôn thông qua quy trình tư pháp>>
・Nếu cặp đôi không thể đạt được thỏa thuận về việc ly hôn, thì sẽ sử dụng quy trình tại tòa án.
・Ngay cả khi cả vợ và chồng đều đồng ý ly hôn, nếu không cho phép ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên theo luật pháp ở quốc gia sở tại của họ, thì sẽ cần xin ly hôn thông qua quy trình tại tòa án.
・Ngoài ra, trong trường hợp có thể ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên theo luật pháp Nhật Bản, có những trường hợp mà việc ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên không được công nhận theo luật pháp ở quốc gia sở tại của vợ hoặc chồng hoặc cả hai, và cặp đôi có thể cân nhắc sử dụng quy trình tại tòa án để được phê duyệt ly hôn ở (các) quốc gia sở tại của mình.
・Nếu cả vợ và chồng đều cư trú ở Nhật Bản, thì có thể tổ chức hòa giải ly hôn hoặc vụ kiện ly hôn tại tòa án của Nhật Bản (tòa án gia đình). Trước khi đệ trình vụ kiện ly hôn, phải tổ chức hòa giải ly hôn trước (Nguyên tắc Hòa giải Trước tiên), nhưng nếu vì hoàn cảnh mà việc ly hôn thông qua hòa giải như vậy sẽ không được phê duyệt ở (các) quốc gia sở tại của vợ/chồng, thì có thể đệ trình vụ kiện ly hôn mà không cần hòa giải.
・Trong các quốc gia chỉ cho phép ly hôn thông qua vụ kiện ly hôn (ly hôn theo phán quyết), có một số nước sẽ công nhận việc ly hôn thông qua hòa giải như là vụ kiện ly hôn nếu tài liệu hòa giải ly hôn có ghi rõ là “việc hòa giải này có cùng giá trị và hiệu lực như phán quyết chung thẩm và ràng buộc theo Điều 268 của Đạo luật về Thủ tục Giải quyết Vụ việc về Quan hệ Gia đình Nhật Bản”. Như vậy, tốt hơn là nên kiểm tra cách xử lý vấn đề này ở (các) quốc gia sở tại của vợ/chồng.
・Nếu luật pháp ở quốc gia sở tại của hai vợ chồng giống hệt nhau, thì việc ly hôn sẽ được phán quyết theo luật pháp ở quốc gia sở tại đã nêu theo quy trình trước tòa án của Nhật Bản (tòa án gia đình). Nếu luật pháp ở quốc gia sở tại của hai vợ chồng khác nhau, quyết định sẽ được đưa ra dựa vào luật pháp của Nhật Bản (Luật Dân sự Nhật Bản), đây là luật tại nơi cư trú thường xuyên của họ.




<<Những điểm cần lưu ý>>
・Người có quốc tịch nước ngoài cũng phải gửi mẫu đăng ký ly hôn với văn phòng chính phủ ở địa phương sau khi có quyết định ly hôn.
・Ngay cả khi có thể ly hôn ở Nhật Bản, có những trường hợp vì lợi ích tốt nhất của các bên, cặp đôi nên ra tòa ở quốc gia nước ngoài có liên quan để giải quyết các vấn đề khác liên quan tới việc ly hôn, ví dụ như cấp dưỡng nuôi con, thăm nom và phân chia tài sản.
・Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia khác. Có thể cần phải tham khảo ý kiến của luật sư, v.v... ở quốc gia nước ngoài liên quan, vì vậy chúng tôi khuyên bạn nên hỏi luật sư, v.v... của bạn xem có cần làm vậy hay không.

02375

Hỏi 14: Tôi có thể nhờ luật sư đi cùng trong buổi hòa giải ly hôn không?

  • Có, bạn có thể nhờ luật sư đi cùng mình.

(Giải thích)
・Trong hòa giải theo luật gia đình, do bản chất của quá trình này mà có quy tắc là các cá nhân liên quan bắt buộc phải có mặt. Tuy nhiên, nếu có hoàn cảnh không thể tránh được thì có thể nhờ người đại diện trình diện thay cho cá nhân liên quan.
・Ngoài ra, khi được tòa cho phép, cá nhân có thể trình diện cùng một trợ lý, người này đi cùng cá nhân và hỗ trợ trong việc đưa ra lời khai.
・Nếu tòa cho phép, bất kỳ người nào cũng có thể làm người đại diện hoặc trợ lý, tuy nhiên tòa có thể thu hồi sự cho phép này vào bất cứ lúc nào.
・Luật sư có thể đóng vai trò là người đại diện hoặc trợ lý mà không cần tòa cho phép.

00047

Hỏi 15: Điều gì xảy ra liên quan đến quyền của cha mẹ đối với con cái trong trường hợp ly hôn?

  • Nếu có con nhỏ tại thời điểm ly hôn, quyền của cha mẹ phải được chỉ định cho cha hoặc mẹ.

(Giải thích)
Nếu có con nhỏ, quyền của cha mẹ được xác định như sau.
(1) Ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên
Cha hoặc mẹ được chỉ định quyền của cha mẹ theo thỏa thuận giữa các bên và có nộp đăng ký ly hôn. Nếu không thể đưa ra quyết định về quyền của cha mẹ, thì không được chấp thuận việc ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên. Nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận, quyền của cha mẹ có thể được xác định thông qua biện pháp hòa giải tại tòa án gia đình, trong đó thẩm phán và ủy viên hòa giải quan hệ trong nước đóng vai trò là bên trung gian.
(2) Ly hôn thông qua việc hòa giải
Khi ly hôn được hòa giải tại tòa án gia đình, quyền của cha mẹ sẽ được xác định. Khi xác định quyền của cha mẹ, phải cân nhắc tới mong muốn của (các) con phù hợp với độ tuổi và trình độ phát triển của trẻ, đồng thời điều tra viên của tòa án gia đình có thể tiến hành điều tra.
Hòa giải là một hình thức mọi người cùng thảo luận, vậy nên có thể có những lúc không thể đạt được thỏa thuận. Trong các trường hợp như vậy, việc hòa giải ly hôn thường bị chấm dứt với kết quả là không thành công. Sau khi chấm dứt hòa giải ly hôn, các bên có thể chuyển sang quy trình kiện tụng ly hôn trước tòa án gia đình.
(3) Ly hôn theo phán quyết
Trong ly hôn theo phán quyết, quyền của cha mẹ sẽ do tòa án xác định.
Nếu trẻ từ 15 tuổi trở lên, tòa được yêu cầu phải lắng nghe ý kiến của trẻ về quyền của cha mẹ khi quyền của cha mẹ được xác định là một phần trong vụ việc ly hôn.

00088

Hỏi 16: Khi một cặp đôi đã kết hôn gồm người có quốc tịch Nhật Bản và người có quốc tịch nước ngoài ly hôn, điều gì sẽ xảy ra liên quan đến quyền của cha mẹ đối với con?

  • Trong trường hợp cha hoặc mẹ là người Nhật Bản và con có quốc tịch Nhật Bản, quyền của cha mẹ sẽ được xác định theo luật pháp Nhật Bản (Luật Dân sự Nhật Bản).
  • Theo luật pháp Nhật Bản (Luật Dân sự Nhật Bản), khi cha mẹ có con nhỏ ly hôn, quyền của cha mẹ phải được chỉ định cho cha hoặc mẹ. Kể cả trong trường hợp ly hôn theo diện đồng thuận giữa các bên, việc đăng ký ly hôn sẽ không được chấp nhận trừ khi người có quyền của cha mẹ được ghi trong đăng ký ly hôn.

(Giải thích)
・Nếu cặp đôi không thể đạt được thỏa thuận về việc ly hôn và quyền của cha mẹ, thì sẽ sử dụng quy trình tại tòa án. Nếu bên kia (vợ/chồng còn lại) cư trú ở Nhật Bản, thì có thể đăng ký xin hòa giải ly hôn tại tòa án của Nhật Bản (tòa án gia đình).
・Khi người có quốc tịch nước ngoài là các bên trong vụ việc, thì có thể phát sinh vấn đề về luật pháp của quốc gia nào sẽ được sử dụng làm căn cứ ra quyết định, tuy nhiên nếu cha hoặc mẹ là người Nhật và con có quốc tịch Nhật Bản, thì quyền của cha mẹ sẽ được xác định theo luật pháp Nhật Bản (Luật Dân sự Nhật Bản).
・Theo luật pháp Nhật Bản (Luật Dân sự Nhật Bản), sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ sẽ có quyền của cha mẹ đối với con (quyền của cha mẹ duy nhất). Không cho phép cả cha và mẹ đều có quyền của cha mẹ (quyền cha mẹ chung).
・Khi quyết định người sẽ có quyền của cha mẹ quyết định được đưa ra từ quan điểm xem người nào trong cha mẹ sẽ đảm bảo tốt nhất cho phúc lợi của trẻ, có cân nhắc toàn diện tới hoàn cảnh của cha mẹ, ví dụ như tình hình tài chính, môi trường sống, sức khỏe thể chất và tâm thần và tính cách, tình yêu cho con, khả năng chăm sóc con và khả năng giám hộ liên tục của từng người, cũng như độ tuổi, tình trạng thể chất và tâm lý của trẻ, khả năng đảm bảo môi trường sống liên tục và mong muốn của trẻ.
・Nếu thảo luận về quyền của cha mẹ không đạt được thỏa thuận, thì có thể cân nhắc tới phương thức chỉ định một người giám hộ độc lập với cha mẹ có quyền và yêu cầu người giám hộ thực sự chăm sóc và giáo dục trẻ. Trong tương lai, tuy nhiên, có thể có trường hợp mâu thuẫn về ý kiến giữa quan điểm của cha mẹ có quyền và người giám hộ liên quan tới việc nuôi dưỡng trẻ và các vấn đề khác, đồng thời việc liên lạc với bên còn lại có thể trở thành một gánh nặng lớn về tâm lý, vậy nên phải đưa ra quyết định sau khi cân nhắc thật kỹ.
・Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn là cha mẹ của trẻ ngay cả khi họ không dành được quyền của cha mẹ. Cũng cần có thỏa thuận rõ ràng về việc thăm nom và tiền cấp dưỡng cho con.
・Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia khác.

03800

Hỏi 17: Trong trường hợp ly hôn, những tiêu chuẩn nào sẽ được sử dụng để xác định ai sẽ có quyền của cha mẹ đối với trẻ?

  • Phán quyết toàn diện được đưa ra từ quan điểm phúc lợi của trẻ, nhưng không có tiêu chuẩn rõ ràng bởi trong mỗi trường hợp thì hoàn cảnh thực tế về mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái sẽ khác nhau.

(Giải thích)
・Các yếu tố cần cân nhắc khi chỉ định cha mẹ có quyền của cha mẹ hoặc người giám hộ không được quy định chi tiết trong luật. Trong thực tiễn, quyết định được đưa ra từ quan điểm phúc lợi của trẻ.
・Cụ thể, hoàn cảnh của trẻ, ví dụ như độ tuổi, giới tính, tình trạng thể chất và tinh thần, điều chỉnh tình hình hiện tại, khả năng thích nghi với môi trường mới và mong muốn của trẻ, cũng như hoàn cảnh của cha mẹ, ví dụ như khả năng chăm sóc con, mức độ gắn bó với con, tình hình tài chính và môi trường sống đều được cân nhắc và đánh giá toàn diện từ quan điểm phúc lợi của trẻ.
・Từ tiền lệ pháp lý ta có thể quan sát thấy có những xu hướng sau đây.
(1) Khả năng giám hộ liên tục
(2) Ưu tiên cho mẹ nếu con là trẻ sơ sinh
(3) Tôn trọng mong muốn của trẻ nếu trẻ đủ lớn để đưa ra quyết định (thường là 15 tuổi).
(4) Anh/chị/em ruột được giao cho cùng cha mẹ có quyền trong phạm vi có thể
(5) Ngay cả khi một bên đã có hành vi đáng trách, ví dụ như ngoại tình, họ cũng không tự động bị coi là không đáng nhận được quyền của cha mẹ.
・Tham khảo ý kiến luật sư để biết thêm chi tiết.

04374

Hỏi 18: Trong trường hợp ly hôn thì có thể yêu cầu bồi thường trong những hoàn cảnh nào?

  • Nếu nguyên nhân chính của ly hôn là hành vi đáng trách của bên kia, thì có thể yêu cầu bồi thường cho việc ly hôn.

(Giải thích)
・Trong trường hợp này, hành vi đáng trách ám chỉ hành vi vi phạm các nghĩa vụ hôn nhân, ví dụ như ngoại tình, xâm hại thể chất hoặc tâm lý, hay ruồng bỏ ác ý (không thanh toán chi phí sinh hoạt, v.v...).
・Ngay cả khi phía bên kia có hành vi đáng trách, nếu mức độ của hành vi này là nhẹ, thì có thể yêu cầu bồi thường sẽ không được chấp thuận.
・Nếu có hành vi đáng trách bởi cả hai bên, thì những hành vi này sẽ được so sánh với nhau, bên có hành vi đáng trách lớn hơn sẽ phải bồi thường cho bên kia.
・Nếu nguyên nhân ly hôn đơn giản chỉ là bất đồng không thể hòa giải được, hoặc nếu bên kia không được coi là có tham gia vào hành vi đáng trách, hoặc nếu cả hai bên đều tham gia vào hành vi đáng trách có cùng mức độ, thì thường sẽ không chấp nhận yêu cầu bồi thường ly hôn.
・Tham khảo ý kiến luật sư để biết thêm chi tiết.

00067

Hỏi 19: Tôi có thể đòi bồi thường từ bạn tình ngoài hôn nhân của người hôn phối của tôi không?

  • Trong các trường hợp sau, có thể đòi bồi thường chung từ người hôn phối và bạn tình ngoài hôn nhân.
  1. Nếu bạn tình cố ý có quan hệ thể xác với một người khác khi biết rằng người liên quan đã có vợ/chồng.
  2. Nếu bạn tình vô ý có quan hệ thể xác với một người khác mặc dù, nếu họ có sự cẩn trọng hợp lý, họ đáng nhẽ phải biết rằng người có liên quan đã có vợ/chồng.

(Giải thích)
・Tiền lệ pháp lý cho phép đòi bồi thường từ bạn tình ngoài hôn nhân. Tuy nhiên, nếu bạn tình ngoài hôn nhân không biết rằng vợ/chồng của bạn đã kết hôn và không có sơ suất khiến họ không biết điều đó, thì họ sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
・Quy tắc chung là nếu hôn nhân đã đổ vỡ tại thời điểm ngoại tình, thì sẽ không phê duyệt yêu cầu bồi thường. Nếu cặp đôi chưa ly hôn ngay cả sau khi phát hiện sự không chung thủy, thì có thể xác định là hôn nhân chưa đổ vỡ và không có thiệt hại thực chất.
・Để biết thêm thông tin về loại bằng chứng cần thiết liên quan tới hành động ngoại tình và nhận thức của bạn tình ngoài hôn nhân, bạn nên tham khảo ý kiến của luật sư.

00071

Hỏi 20: Tôi có thể đòi chi phí sinh hoạt sau khi ly hôn không?

  • Nếu có thỏa thuận giữa các bên hoặc nếu đã có phán quyết, thì có thể đệ trình yêu cầu trên căn cứ đó, nhưng nếu không có thì không thể đệ trình yêu cầu đòi chi phí sinh hoạt từ vợ/chồng cũ sau khi ly hôn.

(Giải thích)
・Nếu có con cần hỗ trợ, thì cả cha và mẹ đều có nghĩa vụ chia sẻ chi phí chăm sóc con nhỏ kể cả sau khi ly hôn, và cha/mẹ nuôi con có thể yêu cầu cấp dưỡng nuôi con từ cha/mẹ kia.
・Ngược lại, do nghĩa vụ cấp dưỡng giữa hai vợ chồng chấm dứt sau khi ly hôn nên không thể đòi chi phí sinh hoạt cá nhân từ vợ/chồng cũ được.
・Tại thời điểm ly hôn, các vấn đề tài chính giữa hai vợ chồng thường được giải quyết thông qua việc phân chia tài sản, bồi thường và phân chia lương hưu. Cụ thể, khi quyết định phân chia tài sản, số tiền có thể được điều chỉnh để phản ánh chi phí sinh hoạt sau khi ly hôn, nhưng điều này không được coi là mục đích chính của việc phân chia tài sản. Như vậy, ngay cả khi có yêu cầu trước tòa, thường thì điều này sẽ không được xét đến trừ khi có hoàn cảnh đặc biệt, ví dụ như thời gian hôn nhân, liệu một bên có đáng trách trong việc ly hôn hay không, mức độ đáng trách, thu nhập của hai bên, và liệu một bên có mắc bệnh hay bị khuyết tật hay không. Do đó, thực tế sẽ khó nhận được chi phí sinh hoạt từ bên còn lại trừ khi hai bên đồng ý như vậy.

00073

Hỏi 21: Tôi đã ly hôn cách đây vài năm. Tôi có thể yêu cầu bồi thường từ phía người hôn phối cũ của mình không?

  • Có thể đòi bồi thường ly hôn trong vòng ba năm kể từ ngày có quyết định ly hôn.

(Giải thích)
・Trong trường hợp ly hôn, bồi thường được trả để đền bù cho đau khổ về tình cảm phát sinh do việc bị ép ly hôn vì lý do thuộc về trách nhiệm của bên kia (ví dụ như ngoại tình). Quyền đòi thanh toán khoản bồi thường như vậy được pháp luật coi là “quyền đòi bồi thường dựa vào vi phạm dân sự”.
・Về nguyên tắc, quyền đòi bồi thường dựa vào vi phạm dân sự sẽ bị mất hiệu lực theo sắc lệnh sau ba năm kể từ ngày nạn nhân hoặc đại diện hợp pháp của nạn nhân nhận thức được về thiệt hại và người phạm tội.
・Đối với bồi thường do ly hôn, ta coi như “đã biết thiệt hại và người phạm tội” khi có quyết định ly hôn.
・Ngoài ra, quyền đòi bồi thường do hành động đáng trách của cá nhân trong thời gian kết hôn bị mất hiệu lực theo sắc lệnh sau ba năm kể từ ngày thực hiện hành động đáng trách. Tuy nhiên, nếu tính mạng hoặc sức khỏe thể chất của nạn nhân bị hành vi đáng trách của bên kia làm tổn hại, ví dụ như thương tích do vợ/chồng cũ bạo hành trong giai đoạn kết hôn, thì có thể đòi bồi thường trong vòng năm (5) năm kể từ ngày thực hiện hành động.
・Tham khảo ý kiến luật sư để biết thêm chi tiết.




[Sửa đổi Luật Dân sự (Luật Nghĩa vụ)]
・Cách giải thích trên được dựa trên quy định trong Luật Dân sự sửa đổi, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 4 năm 2020.
・Xin hãy lưu ý rằng các quy định trước khi có bản sửa đổi có thể áp dụng trong trường hợp mắc vi phạm dân sự trước ngày thi hành sửa đổi.

00069

Hỏi 22: Phân chia tài sản là gì?

  • Trong trường hợp ly hôn, phân chia tài sản thường chỉ việc thanh lý tài sản từ quan điểm công bằng, tài sản mà cặp đôi đã tích góp được thông qua nỗ lực hợp tác trong hôn nhân của mình.

(Giải thích)
・Nếu một cặp đôi đã cùng nhau tích góp được tài sản trong hôn nhân của mình, họ có thể đòi một phần tài sản ngay cả khi tài sản đứng tên của một bên hoặc bên còn lại.
・Tài sản không liên quan tới sự hợp tác của cặp đôi (tài sản riêng), ví dụ như tài sản được thừa kế hay tài sản đã thuộc sở hữu tại thời điểm kết hôn, thì không bị phân chia tài sản.
・Nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận về việc phân chia tài sản, thì có thể đệ đơn kiện yêu cầu hòa giải trước tòa án gia đình để giải quyết vấn đề, trong đó thẩm phán và ủy viên hòa giải quan hệ trong nước đóng vai trò là bên trung gian.
・Nếu cặp đôi chưa ly hôn, yêu cầu phân chia tài sản thường được đệ trình trong giai đoạn hòa giải ly hôn. Nếu hòa giải mà không giải quyết được vấn đề, thường thì người ta hay đệ trình vụ kiện ly hôn và đưa ra yêu cầu phân chia trong vụ kiện đó, thay vì chỉ dựa vào phán quyết phân chia tài sản.
・Bồi thường và chi phí hôn nhân chưa trả có thể được xem xét khi phân chia tài sản.
・Theo Luật Dân sự, không được đòi phân chia tài sản sau hai năm kể từ ngày ly hôn.

00072

Hỏi 23: Tôi có thể yêu cầu phân chia tài sản kể cả sau khi ly hôn không?

  • Kể cả sau khi ly hôn, bạn có thể yêu cầu phân chia tài sản trong một khoảng thời gian nhất định.

(Giải thích)
・Không được yêu cầu phân chia tài sản sau hai năm kể từ ngày ly hôn.
・Nếu bên kia không đồng ý thanh toán cho việc phân chia tài sản, thì có thể đệ đơn kiện yêu cầu hòa giải trước tòa án gia đình để giải quyết vấn đề, trong đó thẩm phán và ủy viên hòa giải quan hệ trong nước đóng vai trò là bên trung gian.
・Ngay cả khi đã qua hai năm kể từ lúc ly hôn, vẫn có thể đạt được thỏa thuận ngoài tòa án với bên kia để thanh toán cho việc phân chia tài sản. Tuy nhiên, trước thực tế rằng thủ tục của tòa án gia đình sẽ không còn áp dụng nữa, nếu bên kia từ chối đàm phán, thì sẽ không thể nhận được bất kỳ tài sản nào.
・Nếu yêu cầu bồi thường ly hôn độc lập với việc phân chia tài sản, thì quy tắc chung là có thể đòi bồi thường trong thời gian tối đa là ba năm sau khi ly hôn.
・Trong trường hợp cụ thể, chúng tôi khuyên bạn nên tham khảo ý kiến của luật sư.

00074

Hỏi 24: Nếu tôi là người bảo lãnh cho khoản nợ của người hôn phối của tôi, liệu tôi vẫn có trách nhiệm với tư cách là người bảo lãnh sau khi ly hôn chứ?

  • Trách nhiệm với tư cách là người bảo lãnh vẫn có hiệu lực kể cả sau khi ly hôn.

(Giải thích)
・Người bảo lãnh chịu trách nhiệm thực hiện khoản nợ (hoàn trả khoản nợ) thay cho người nợ chính (tức là người đã vay khoản tiền) khi người nợ chính không thể thực hiện khoản nợ (không hoàn trả số tiền đi vay) cho chủ nợ (người cho vay tiền). Trách nhiệm này được dựa trên hợp đồng cấp bảo lãnh giữa người bảo lãnh và chủ nợ.
・Ngay cả khi kết hôn, vợ hoặc chồng được coi là một cá thể độc lập và có thể ký kết hợp đồng độc lập một cách hợp pháp, mỗi bên chịu trách nhiệm riêng theo hợp đồng đã nêu.
・Do đó, không thể tránh được trách nhiệm với tư cách là người bảo lãnh chỉ bằng việc ly hôn với vợ/chồng là người nợ chính.
・Nếu một bên muốn dừng việc làm người bảo lãnh, họ phải đàm phán với chủ nợ để hủy hợp đồng cấp bảo lãnh. Trong trường hợp như vậy, họ có thể được yêu cầu đàm phán với người nợ chính và sắp xếp một người bảo lãnh thay thế, hoặc cầm cố bất động sản (đất hoặc nhà) làm tài sản thế chấp.
・Tham khảo ý kiến luật sư để biết thêm chi tiết.

02187

Hỏi 25: Có thể phân chia lương hưu trong trường hợp ly hôn không?

  • Lương hưu của nhân viên (lương hưu phúc lợi, lương hưu trợ cấp chung, v.v...) phải tuân theo hệ thống phân chia lương hưu.

(Giải thích)
・Trong trường hợp ly hôn, lương hưu của nhân viên (lương hưu phúc lợi, lương hưu trợ cấp chung, v.v...) có thể bị yêu cầu phân chia lương hưu (phân chia lương hưu ghi nhận trong thời kỳ hôn nhân). Chương trình Hưu trí Quốc gia (phần lương hưu cơ bản) không bị phân chia lương hưu.
・Nếu cặp đôi ly hôn vào hoặc sau ngày 1/5/2008, lương hưu ghi nhận trong thời kỳ hôn nhân vào hoặc sau ngày 1/4/2008, trong đó vợ hoặc chồng được bảo hiểm theo Nhóm III, chỉ có thể được phân chia theo yêu cầu của vợ hoặc chồng (phân chia Nhóm III). Tất cả ghi nhận khác về lương hưu sẽ được chia theo thỏa thuận giữa hai bên (phân chia theo diện đồng thuận giữa các bên). Nếu cặp đôi gặp khó khăn khi đàm phán thỏa thuận, họ có thể sử dụng quy trình hòa giải trước tòa án gia đình.
・Nếu một bên đã bắt đầu nhận phúc lợi hưu trí tại thời điểm ly hôn, thì không thể phân chia phần lương hưu mà họ đã nhận (bằng tiền mặt hay tiết kiệm). Tuy nhiên, có thể yêu cầu phân chia tài sản độc lập với hệ thống phân chia lương hưu.
・Để biết thêm thông tin, bạn nên tham khảo ý kiến của Dịch vụ Trợ cấp hưu trí Nhật Bản, hiệp hội hỗ trợ tương ứng, Quỹ Xúc tiến và Tương trợ cho các trường tư thục của Nhật Bản (Bộ phận Tương trợ) hoặc một chuyên gia như luật sư.

00111

サブナビゲーションここから

Legal Information for Foreign Nationals(外国人のみなさまへ)


以下フッタです
ページの先頭へ